Trường THCS Thái Đào 48 năm xây dựng và trưởng thành
Nằm cạnh trung tâm văn hóa xã, có đường quốc lộ 31 chạy qua, nằm ở phía Nam của trung tâm huyện Lạng Giang - Bắc Giang, cách thành phố 8km về hướng Đông Bắc - Ngôi trường quả là bề thế, có thể coi là một nơi đắc địa. Diện tích trường là 6566m2. Gồm khu hiệu bộ, hai dãy lớp học cao tầng cùng các phòng chức năng xếp uy nghi theo hình chữ U. Mặt trường hướng ra con kênh đào, mênh mông theo tầm mắt là cánh đồng lúa mầu, xanh ngát bốn mùa, xen màu vàng no ấm. Lưng trường tựa vào quả đồi lớn, trên đỉnh đồi là ngôi chùa và đình làng tọa lạc.
Nằm cạnh trung tâm văn hóa xã, có đường quốc lộ 31 chạy qua, nằm ở phía Nam của trung tâm huyện Lạng Giang - Bắc Giang, cách thành phố 8km về hướng Đông Bắc - Ngôi trường quả là bề thế, có thể coi là một nơi đắc địa. Diện tích trường là 6566m2. Gồm khu hiệu bộ, hai dãy lớp học cao tầng cùng các phòng chức năng xếp uy nghi theo hình chữ U. Mặt trường hướng ra con kênh đào, mênh mông theo tầm mắt là cánh đồng lúa mầu, xanh ngát bốn mùa, xen màu vàng no ấm. Lưng trường tựa vào quả đồi lớn, trên đỉnh đồi là ngôi chùa và đình làng tọa lạc. Từ đời nhà Trần, đình và chùa như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến sự đổi thay, đi lên của ngôi trường. Với truyền thống 48 năm xây dựng và phát triển, trường đã trở thành địa chỉ giáo dục và đào tạo uy tín bậc THCS của đông đảo con em nhân dân xã Thái Đào và những vùng lân cận.
Niên học đầu tiên (1962 - 1963), trường chỉ có 2 lớp với 81 học sinh - Hiệu trưởng là thầy Ngô Văn Siêu. Từ đó tới nay, trường đã trải qua nhiều lần tách nhập, đổi tên:
Từ năm 1962 đến năm 1976: Là trường cấp II xã Thái Đào.
Từ năm 1977 đến năm 1991: Trường PTCS (do hợp nhất hai trường cấp I và cấp II)
Ngày 24/9/1992: Theo QĐ của UBND huyện tách thành trường Tiểu học và trường trung học cấp II (nay là trường THCS Thái Đào).
48 năm xây dựng và phát triển, dưới mái trường THCS Thái Đào đã có hàng vạn học sinh trưởng thành có mặt hầu hết trên hai trận tuyến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thế hệ thầy cô giáo và học sinh đã hăng hái lên đường cứu nước, có tới 32 người ra đi từ mái trường này đã trở thành liệt sĩ; nhiều người đã gửi lại nơi chiến trường một phần xương máu, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; có nhiều người đã giữ những cương vị trọng trách trong quân đội, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước như: Tiến sĩ , kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà giáo, nhà báo; giám đốc, nhà quản lý, doanh nhân đến các nhà làm vườn giỏi … Họ công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như các trường đại học tên tuổi của nước bạn.Tất cả đã và đang có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, cùng với giáo dục cả nước, trường THCS Thái Đào đã tích cực thực hiện đường lối, chủ trương phát triển Giáo dục và Đào tạo của Đảng, Nhà nước và đạt được những thành tích đáng trân trọng, tự hào. Đặc biệt trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường đã có những bước phát triển mang đậm dấu ấn: Tỷ lệ học sinh bỏ học trong trường chỉ còn 0,1%, công tác tuyển sinh vào THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 98%. Nhà trường có nhiều giải học sinh giỏi văn hóa các cấp, có em đạt giải Olympic toán học cấp Quốc gia. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường là một tập thể đoàn kết, hết lòng vì học sinh thân yêu, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng: 100% thầy cô đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 50%, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp huyện, cấp tỉnh. Trường liên tục đạt danh hiệu LĐT. Vinh dự ngày 22/9/2009, nhà trường được cấp bằng chứng nhận trường đạt chuẩn Quốc gia cấp độ I.
Để có được diện mạo mới và thành tích đạt được dù còn khiêm tốn, ngoài sự tự thức vươn lên của các thế hệ thầy trò nhà trường còn là sự quan tâm sâu sát, đầu tư về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ nhân dân địa phương - một vùng đất nghèo nhưng trọng Cái Chữ; cùng sự chung tay góp sức không nhỏ của các thế hệ học sinh đã trưởng thành, các cơ quan, doanh nghiệp, hội phụ huynh học sinh.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời kỳ đổi mới, cơ sở vật chất và các trang thiết bị của nhà trường chỉ mới đáp ứng được một phần trong công tác dạy và học, nhất là các thiết bị phục vụ công tác ứng dụng CNTT của nhà trường đang còn thiếu và chưa đồng bộ. Chúng ta hy vọng và tin tưởng trong công tác xã hội hóa giáo dục, bằng sự chung tay góp sức của vạn tấm lòng, thầy trò nhà trường sẽ sớm có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hơn để mái trường quê hương thực sự là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, tài năng, trí tuệ của những thế hệ; Để trang vàng truyền thống vẻ vang của nhà trường được ghi danh những tên tuổi đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Để chính từ nơi đây, lớp lớp học sinh tiếp tục trưởng thành, mang theo hành trang tri thức, kỹ năng sống, cái tâm phúc của tình người, tình đời xây đắp quê hương ngày một phồn vinh, thịnh vượng.